- Ngày 16/4, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo "Thực trạng, giải pháp phát triển nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang". Hội thảo thu hút sự tham gia của 30 đơn vị, doanh nghiệp với nhiều tham luận tâm huyết. Báo Bắc Giang trích đăng một số ý kiến.
Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh:
Đề xuất ban hành chính sách thúc đẩy liên kết đào tạo nhân lực
Ông Nguyễn Xuân Ngọc
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn trong các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang, Ban Quản lý các KCN sẵn sàng là cầu nối cho các trường đại học, cao đẳng liên kết với doanh nghiệp (DN). Trong đó trọng tâm là xây dựng hệ thống và cung cấp các thông tin về nhu cầu thị trường, nguồn nhân lực, xu hướng phát triển của ngành nghề trong tương lai. Phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích, vinh danh, khen thưởng các DN tích cực liên kết với nhà trường; tạo điều kiện để DN tham gia hoạt động đào tạo cùng nhà trường; xây dựng chính sách hỗ trợ, hướng dẫn và khuyến khích hoạt động đào tạo theo đơn đặt hàng của DN; nâng cao nhận thức, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc liên kết đào tạo.
Ông Chung Won Seok, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hana Micron Vina (KCN Vân Trung):
Ưu tiên xây dựng đội ngũ giảng viên ngành công nghiệp bán dẫn
Ông Chung Won Seok.
Đi vào sản xuất giữa tháng 9/2023, DN đã đầu tư khoảng 3 nghìn máy móc; kế hoạch đến năm 2025 sẽ tăng vốn đầu tư tại Bắc Giang từ 600 triệu USD lên 1 tỷ USD, sử dụng thêm gần 3 nghìn lao động với doanh thu dự kiến 800 triệu USD.
Trong thời gian hoạt động tại tỉnh, DN luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực, kịp thời của các cấp chính quyền, sở, ngành liên quan, tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất ổn định. Nhằm chủ động nguồn nhân lực tại chỗ và phục vụ tập đoàn, một lớp đào tạo về chất bán dẫn đã được công ty phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang tổ chức. Tuy nhiên, hoạt động hợp tác đào tạo hiện dừng ở những nội dung cơ bản của ngành chất bán dẫn cũng như các công đoạn trong sản xuất chất bán dẫn. Thời gian tới, DN tiếp tục xây dựng kế hoạch liên kết đào tạo, nhất là đào tạo chuyên sâu để các sinh viên có thể nắm rõ được công đoạn, quy trình vận hành các thiết bị, nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất. Muốn có được kết quả đào tạo tốt, giảng viên là yếu tố quan trọng nhất. DN mong muốn thời gian tới, ở Việt Nam nói chung, Bắc Giang nói riêng ưu tiên quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn. Từ đó đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo đà phát triển cho ngành công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao, bền vững.
PGS.TS Phạm Văn Đông, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội:
Sẵn sàng hỗ trợ đổi mới công nghệ và phát triển DN
PGS.TS Phạm Văn Đông.
Tỉnh Bắc Giang nên phối hợp với các DN để có chính sách học bổng cho con em trong tỉnh khi học tập các chuyên ngành liên quan đến công nghiệp bán dẫn và cam kết quay lại tỉnh làm việc. Học bổng có thể trao bằng nhiều hình thức, trong đó có thể hỗ trợ đào tạo ngay khi các em đang là sinh viên đại học; hỗ trợ các DN ở tỉnh hợp tác với các trường đại học để tạo điều kiện thực tập cho sinh viên các trường, trong đó có chế độ ưu tiên con em trong tỉnh. Bên cạnh đó có thể phối hợp mở các khóa đào tạo chuyên sâu, khóa học ngắn hạn để giúp cho nhân viên hiện có của DN trên địa bàn tỉnh nâng cao kỹ năng và kiến thức chuyên môn. Đưa con em trong tỉnh đi làm việc ở các DN thiết kế, sản xuất điện tử, bán dẫn tại các quốc gia có thế mạnh về lĩnh vực này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội sẵn sàng phối hợp với Bắc Giang từ việc định hướng, đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp bán dẫn cũng như các ngành công nghiệp khác để thúc đẩy đổi mới công nghệ và phát triển DN của Bắc Giang.
Theo: baobacgiang.vn