Kết nối, hỗ trợ tìm việc làm cho lao động nông thôn

Admin | 19/12/2023 06:10

Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành chức năng, tổ chức chính trị - xã hội, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã chung tay hỗ trợ giải quyết việc làm cho hội viên, đoàn viên góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Mỗi tổ chức một cách làm hay

Năm nay, nắm bắt tình hình nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn khôi phục hoạt động, cần tuyển nhiều lao động, Huyện đoàn Yên Dũng đã chỉ đạo các cơ sở đoàn tăng cường thông tin, tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị cung ứng nhân lực tư vấn, giới thiệu cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia tuyển dụng. Chị Nguyễn Thị Hương, Bí thư Huyện đoàn cho biết: “Huyện đoàn chỉ đạo vận động thành lập các chi đoàn, chi hội thanh niên trong các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để tổ chức các hoạt động đồng hành với thanh niên công nhân. Đồng thời qua đó, nắm bắt thông tin về nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, kịp thời thông tin, tư vấn cho ĐVTN tìm kiếm cơ hội việc làm”. 

Đơn cử như Chi đoàn Công ty cổ phần PT Daehan Global được thành lập, Bí thư Chi đoàn là Trưởng Phòng nhân sự Công ty nên thường xuyên quan tâm thông tin về nhu cầu tuyển dụng vị trí việc làm, chế độ chính sách dành cho người lao động (NLĐ) đến ĐVTN trong huyện.

Từ đầu năm đến nay, Huyện đoàn đã tư vấn, giới thiệu 800 ĐVTN đến làm việc tại các DN trong và ngoài tỉnh với nghề may, điện tử, cơ khí… tăng hơn 25% so với năm trước. Chị Trần Yến Nhi (SN 1993) ở xã Tân Liễu cho biết: “Do công ty cũ gặp khó khăn nên tôi phải nghỉ việc một thời gian. Được tổ chức đoàn thanh niên liên hệ, giới thiệu, tôi đăng ký phỏng vấn tại Công ty TNHH MTV SJ Tech Việt Nam (Việt Yên) chuyên sản xuất linh kiện điện tử và được tuyển dụng. Sau khi thử việc, tôi đã bắt nhịp với công việc mới, có thu nhập ổn định”.

Với số hội viên lớn, Hội Nông dân huyện Yên Dũng luôn quan tâm giải quyết việc làm cho hội viên gắn với đặc thù địa bàn sản xuất nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Mạnh Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, hằng năm, từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm, Hội phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức nhiều lớp dạy nghề may, chăn nuôi, trồng trọt miễn phí cho hội viên. 

Tay nghề nâng cao, nhiều lao động được tuyển dụng vào các DN trên địa bàn huyện. Đồng thời những hội viên học nghề trồng trọt, chăn nuôi mạnh dạn ứng vào sản xuất tại gia đình nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập. Đặc biệt, năm nay, Hội phối hợp với DN tư vấn, giới thiệu gần 50 hội viên và con em đi du học, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nhờ có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống hội viên ngày càng cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 1,1%.

Để tạo việc làm cho hội viên, các cấp hội phụ nữ phối hợp tổ chức nhiều lớp dạy nghề may, sản xuất linh kiện điện tử, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Sau đào tạo, bồi dưỡng nghề, hầu hết học viên có việc làm. Đồng thời, Hội LHPN huyện tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội và trích quỹ hội cho phụ nữ vay vốn đầu tư sản xuất, hỗ trợ cây, con giống, giới thiệu việc làm. Từ đầu năm đến nay, các cấp hội toàn huyện giúp đỡ gần 200 hộ phụ nữ thoát nghèo.

Khai thác lợi thế, tạo việc làm tại địa phương

Những năm gần đây, công tác giải quyết việc làm được cấp ủy, chính quyền huyện Yên Dũng quan tâm thực hiện; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện, ổn định đời sống người dân. Huyện tập trung các giải pháp thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho DN phát triển, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 600 DN đăng ký hoạt động, trong đó khoảng 300 DN hoạt động ổn định, sử dụng hơn 10 nghìn lao động với thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. 

Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực may công nghiệp giúp hàng nghìn lao động được làm việc gần nhà với thu nhập khá. Thông tin từ UBND xã Yên Lư, tại xã có khoảng 30 DN đang hoạt động ở các lĩnh vực: May công nghiệp, sản xuất gạch, chế tạo công nghệ kỹ thuật cao. Điển hình là Công ty cổ phần PT Daehan Global tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập ổn định. 

Ngoài ra, ngành chức năng, các tổ chức hội, đoàn thể định hướng, tư vấn, giới thiệu hội viên, đoàn viên đến xin việc tại các khu công nghiệp vùng lân cận như huyện Việt Yên và tỉnh Bắc Ninh. Với lao động trung tuổi được hỗ trợ học nghề chăn nuôi, trồng trọt để ứng dụng mở rộng sản xuất, tạo việc làm tại gia đình. Toàn xã hiện có gần 9 nghìn người trong độ tuổi lao động, trong đó hơn 94% đã có việc làm.

Để NLĐ thuận lợi tìm việc, UBND huyện chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, thông tin, kết nối. Mới đây, UBND huyện tổ chức “Ngày hội việc làm” với sự tham gia của hàng chục DN và hơn 1 nghìn học sinh, NLĐ. Tại ngày hội, đại diện DN trực tiếp cung cấp nhu cầu, điều kiện tuyển dụng để NLĐ nắm bắt và đăng ký tìm kiếm cơ hội việc làm. Cùng với thị trường lao động trong nước, các DN giới thiệu thị trường làm việc ở các nước như Mỹ, Đức, Canada, Úc… với nhiều ngành nghề mới, mang lại thu nhập tốt để NLĐ lựa chọn. 

Theo ông Phạm Trí Dũng, Phó trưởng Phòng LĐTBXH huyện, các tổ chức hội, đoàn thể có vai trò quan trọng trong công tác giải quyết việc làm, như: Tham gia khảo sát nhu cầu lao động tại địa phương, tuyên truyền, định hướng, vận động hội viên tham gia học nghề, tìm kiếm việc làm. Cùng đó, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề theo hướng "cầm tay chỉ việc" gắn với đặc thù địa phương. 

Nhờ tay nghề nâng cao, nhiều lao động nông thôn có thêm kỹ năng, tự tin làm việc trong các DN hoặc mở rộng mô hình trang trại, tham gia các hợp tác xã nông nghiệp. Hằng năm, toàn huyện có khoảng 2,5 nghìn lao động được tạo việc làm mới, hơn 400 người đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc... Thu nhập của NLĐ trong huyện ngày càng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Dũng, nhiều nhà đầu tư đang mở rộng sản xuất, kinh doanh; không ít khu, cụm công nghiệp đang hình thành hứa hẹn nhiều cơ hội việc làm. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, phòng chức năng tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các xã, thị trấn tập trung đào tạo nghề, nhất là ngành, nghề, lĩnh vực có thế mạnh, gắn với nhu cầu thị trường lao động; rà soát, nắm bắt, tăng cường kết nối với DN để tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Theo Lệ Thanh -Báo Bắc Giang